top of page
Pham Viet Hai

Tương lai của việc làm (phần 3)

Đã cập nhật: 24 thg 1, 2022

Tiếp theo nội dung của hai bài viết trước, trong bài viết lần này, tôi muốn đề cập đến vai trò và trách nhiệm của chính phủ và doanh nghiệp trong thị trường lao động dưới bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Cụ thể hơn, chính phủ sẽ phải làm gì để điều chỉnh thị trường, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ và đóng góp những gì để hiện thực hóa những chính sách đấy. Một điều cơ bản cần phải đề cập tới là bản thân lực lượng lao động cũng sẽ đóng một vai trò không nhỏ trong việc liệu chúng ta có thể hội nhập vào làn sóng của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Không giống như những bài viết lần trước, bài viết lần này nghiêng về đưa ra ý tưởng và thảo luân, và các ý kiến đều mang tính chất chủ quan của cá nhân người viết. Phạm vi của bài viết chủ yếu đề cập đến Việt Nam, nhưng một vài ý tưởng cũng có thể đúng trên phạm vị quốc tế.


1. Vai trò của chính phủ

Nhìn chung, vai trò của chính phủ trong thị trường lao động là môt khái niệm tương đối rộng. Đó là sự tổng hợp của nhiều yếu tố bao gồm các tổ chức, chính sách, quan điểm xã hội, luật pháp, phương thức tác động tới cung và cầu của nền kinh tế. Quan điểm chung về tác động của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đó là nền kinh tế sẽ đối mặt với sự thiếu hụt về lao động trong các ngành đòi hỏi trình độ và công nghệ do mặt bằng lao động chưa đáp ứng được nhu cầu về kỹ năng và đào tạo. Tất nhiên, không một chính phủ nào mong muốn thắt chặt cầu về lao động. Do đó, giải pháp đặt ra sẽ là tăng cung. Cụ thể hơn, chính phủ sẽ phải làm sao để có được một lực lượng lao động sẵn sang, có kỹ năng cao chuẩn bị cho cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Một vài phương pháp tiếp cận cụ thể như sau có thể là lời giải cho bài toán đó.

a. Tăng cường chức năng của mô hình thực tập trong giáo dục

Vai trò chủ đạo của hệ thống giáo dục đặc biệt là giáo dục bậc cao là chuẩn bị, đào tạo những người trẻ tuổi cho lưc lượng lao đông. Trong bối cảnh công nghệ thay đổi và tiến hóa với tốc độ rất cao hiện nay, việc chương trình giáo dục có thể đáp ứng được nhu cầu thực tế của các ngành nghề là điều bất khả thi. Mô hình thực tập giải đáp vấn đề đó bằng việc kết hợp doanh nghiệp trong khâu cuối cùng của đào tạo, với mục đích trang bị làm việc thực tế cho những người trẻ tuổi. Tuy nhiên, hệ thống hiện tại của chúng ta đang phó mặc trách nhiệm hoàn toàn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp chịu rủi ro về việc phân bố nguồn lực và đào tạo thực tập sinh, trong điều kiện không có cam kết về việc làm lâu dài, dẫn đến sự thờ ơ và thiếu hợp tác của doanh nghiệp đối với mô hình thực tập sinh. Điều đó dẫn đến sự cần thiết của việc hỗ trợ từ phía chính phủ. Doanh nghiệp nên nhận được ưu đãi về thuế hoặc nhận được tài trờ từ chính phủ. Thời gian thực tập cũng có thể nên xem xét để kéo dài, phù hợp với tính chất phức tạp ngày càng tăng của công việc trong tương lai (có thể kéo dài đến một hay một năm rưỡi).

b. Hệ thống thông tin giúp tái đào tạo lao động

Một phương án đơn giản để tăng nguồn cung lao động chất lượng cao chính là tái đào tạo lực lượng lao động hiện có. Tuy nhiên, nếu chúng ta để mặc cho bản thân người lao động, người lao động sẽ không có động lực để thực hiện vì việc tái đào tạo đòi hỏi nguồn lực về thời gian và tài chính. Ngoài ra, nhiều vị trí và công việc mới không hề tồn tại trong quá khứ đang dần trở nên thông dụng. Do đó, chính phủ phải đứng vai trò đầu tàu, cung cấp thông tin, định hướng, hỗ trợ về tài chính để định hướng quá trình tái đào tạo của lực lượng lao động.


c. Thành lập khung đánh giá năng lực lao động cấp quốc gia

Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư mang đến thay đổi lớn cho thị trường lao động. Điều đó dẫn đến một lượng lớn lao động sẽ phải tái đào tạo kỹ năng. Với sự sẵn sẵn có và phổ cập của các kiến thức trên mạng, chúng ta cần một khung đánh giá năng lực đồng nhất cho người lao động, đặc biệt với nhóm đối tượng tự đào tạo không chính quy. Người lao động sẽ được đánh giá năng lực dựa trên các tiêu chí, tác vụ cụ thể đối với từng nhóm ngành riêng biệt, không phụ thuộc vào kinh nghiệp làm việc cũng như quá trình đào tạo. Khung đánh giá năng lực này sẽ được xây dựng dựa trên ý kiến và yêu cầu thực tế từ cộng động doanh nghiệp, và sẽ được thay đổi, nâng cấp hàng năm cho phù hợp với xu thế thay đổi của thị trường. Khung đánh giá năng lực lao động cấp quốc gia ở Châu Âu hoặc ở Ấn Độ là một vài dẫn chứng tiêu biểu cho điều này.



2. Vai trò của doanh nghiệp

Doanh nghiệp sẽ đóng vai trò hỗ trợ chính phủ trên phương diện chính sách. Điều đó đồng nghĩa với việc tích cực tham gia vào các chương trình của chính phủ như mô hình thực tập sinh trong đào tạo, cung cấp và trợ giúp xây dựng mạng lưới thông tin, thiết kế khung thẩm định năng lực cấp quốc gia. Đóng góp của doanh nghiệp sẽ là vô giá, và là cầu nối giữa kiến thức lý thuyết và khâu thực hành. Tuy nhiên, kể cả có được sự hỗ trợ của chính phủ trên phương diện tài chính, tham gia vào những chương trình này cũng đòi hỏi cam kết không nhỏ từ phía doanh nghiệp. Trên thực tế, tham gia vào các chương trình này là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp hơn là giá trị và lợi ích đem lại. Ngoài ra, các chương trình này cũng chứa đựng yếu tố bất định, khi kết quả thực tế đem lại chỉ có thể đánh giá được trong trung hạn. Tất cả những điều nêu trên là chi phí và rủi ro mà doanh nghiệp sẽ cùng chính phủ gánh vác, để có thể điều chỉnh hướng đi cho thị trường lao động một cách hiệu quả.


Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng có thể can thiệp một cách trực tiếp vào quá trình chuyển giao của thị trường lao động trong Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Một phương án khả thi là các dự án đầu tư cho công động. Các dự án này thường thông qua bộ phận chuyên trách về trách nghiệm xã hội hoặc các tổ chức bên ngoài, hướng đến và tài trợ dự án, ý tưởng và công nghệ sáng tạo của các cá nhân và tổ chức độc lập. Khi Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư tập trung vào việc áp dụng công nghệ cũng như tốc độ thay đổi chóng mặt của nền tảng công nghệ đó, nó sẽ tạo nên sự đột phá về ý tưởng và giải pháp sáng tạo. Đầu tư vào các ý tưởng sáng tạo chưa bao giờ là một giải pháp xấu. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp sử dụng kinh nghiệm, công cụ sẵn có của mình giúp thúc đẩy cộng đồng phát triển, và là phương án đem lại lợi ích cho cả hai phía.


Trong ngắn hạn, công ty và doanh nghiệp sẽ chịu áp lực tuyển dụng nhân sự cho các vị trí công việc mới, được tạo ra bởi cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Doanh nghiệp sẽ có ba sự lựa chọn rõ rệt: tuyển dụng mới, đào tạo đội ngũ nhân viên hiện tại, hoặc ủy thác toàn bộ công việc cho doanh nghiệp bên ngoài. Việc tuyển dụng nhân lực phù hợp sẽ là khâu tốn kém và khó khăn, khi toàn thị trường thiếu hụt nhân sự trong các lĩnh vực đòi hỏi trình độ cao, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ủy thác toàn bộ các vị trí trong lĩnh vực mới này là một lựa chọn khôn ngoan, giúp doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí. Tuy nhiên, việc tái đào tạo đội ngũ nhân viên hiện tại cũng là phương án khả thi, giúp doanh nghiệp có đội ngũ nhân viên riêng, có thể phát triển, áp dụng công nghệ theo nhu cầu công ty trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Việc này yêu cầu doanh nghiệp phải xây dựng cho mình một chương trình đào tạo nhân viên mạnh.


Cuối cùng, chúng ta cũng phải đề cập đến vai trò đặc biệt của các công ty giới thiệu việc làm. Ở thị trường Việt Nam, phần đông các công ty giới thiệu việc làm giữ vai trò cố hữu là người trung gian môi giới giữa doanh nghiệp có nhu cầu và người lao động, dựa trên hồ sơ, kinh nghiệm, năng lực ứng viên. Tuy nhiên, thị trường lao động thay đổi cũng cần có cách tiếp cận mang tính linh hoạt hơn từ phía các công ty tuyển dụng. Cụ thể hơn, công ty tuyển dụng nên mở rộng vai trò từ người trung gian, môi giới, hướng đến việc tư vấn, hướng nghiệp trong thị trường lao động. Việc này bao gồm cung cấp, cập nhập thông tin về thị trường, tham gia và tổ chức các khóa học tái đào tạo năng lực, tổ chức các chương trình ngắn hạn giúp người lao động có thể thu nhặt được kỹ năng cần thiết trong quá trình chuyển dịch của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Đương nhiên, chính phủ cũng phải tham gia và hỗ trợ các công ty tuyển dụng.



3. Vai trò của người lao động

Mặc dù trách nhiệm dẫn dắt và định hướng thị trường lao động phụ thuộc phần lớn vào chính phủ và doanh nghiệp, điều đó cũng không có nghĩa là phủ nhận vai trò và trách nhiệm của bản thân người lao động. Mặc dù nhiều vị trí công việc truyền thống sẽ bị xóa bỏ và thay thế bởi công nghệ, AI, tự động hóa, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư cũng sẽ tạo ra một thị trường lao động mới bình đẳng và tự do gia nhập. Khi mà phần đông mặt bằng lao động có rất ít, hoặc không có kiến thức về các vị trí công việc mới, tất cả mọi người tham gia sẽ khởi hành từ một vạch xuất phát. Đây là thời điểm hoàn hảo để người lao động ngồi lại tự đánh giá về năng lực, kỹ năng, kinh nghiệm của bản thân và suy nghĩ lại con đường nghề nghiệp. Với sự phổ cập và sẵn có của các nguồn thông tin không phí trên mạng, người lao động có thể tiếp thu được các kỹ năng mới với chi phí tối thiểu. Tuy nhiên, khâu khó hơn cả là định hướng nghề nghiệp dựa trên năng lực. Điều đó lý giải tại sao chính phủ và các doanh nghiệp tuyển dụng đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý và cân bằng thị trường. Một lời khuyên thiết yếu cho người lao động trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đó là cẩn trọng khi định hướng nghề nghiệp tương lại, tìm hiểu các nguồn thông tin và tư vấn từ cộng động doanh nghiệp và chính phủ, dựa vào đó lên kế hoạch tự đào tạo và rèn luyện phù hợp với nguồn tài chính và thời gian hữu hạn.


Từ khi định nghĩa cho cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư được đưa ra bởi Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam đã từng bước nhận thức được sự quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp lần này. Sự chuẩn bị và hành động được giao cho Bộ Khoa học Công nghệ và Thông tin đảm nhiệm và thực thi, chủ yếu trên khía cạnh áp dụng, đưa công nghệ mới vào nền kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, ý kiến chủ quan của bản thân thì việc chuẩn bị và tái cấu trúc bản thân thị trường lao động đóng vai trò quan trọng không kém. Do đó, tôi đã thực hiện một loạt bài viết về thị trường lao động, cũng như một vài suy nghĩ chủ quan về chính sách và hành động. Đây là ý kiến của cá nhân và rất mong nhận được ý kiến đóng góp và tranh luận. Một điều cuối cùng cần nhắc đến là cuộc Cách mạng Cộng nghệ lần thứ tư đã và đang diễn ra, thay đổi cấu trúc xã hội chúng ta từng ngày. Đi theo đó là các rủi ro và cơ hội. Để tối đa hóa cơ hội, chúng ta cần sự phối hợp của chính phủ, doanh nghiệp và bản thân người lao động.



104 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page