Trong bài viết lần trước, xu thế lớn trên thị trường lao động thế giới đã được nhìn nhận trên nhiều góc độ. Có một điều rõ ràng rằng Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đã thay đổi thị trường lao động thế giới một cách mạnh mẽ và nhanh chóng. Và những thay đổi này đã và sẽ tiếp tục tác động, định hình thị trường trong nước. Để tiếp theo nội dung của bài viết trước, lần này chúng ta sẽ phân tích thị trường Việt Nam trong xu thế ảnh hưởng chung từ những đổi thay trên thị trường lao động quốc tế.
1. Thị trường lao động Việt Nam
Thị trường lao động Việt Nam được nhìn nhận là thị trường lao động trẻ, với đa số những người tham gia thị trường nằm trong khung tuổi từ 20 đến dưới 40. Theo số liệu mới nhất của Tổng Cục Thống Kê Việt Nam, dân số trẻ bao gồm những người nằm trong độ tuổi từ 15 đến 34 tuổi chiếm 28,4 phần trăm dân số, và dân số dưới 15 tuổi chiếm 23,9 phần trăm trong tổng dân số cả nước. Ngoài ra, người trong độ tuổi lao động chiếm 66,1 phần trăm. Tỷ lệ này tương ứng với trung bình cứ hai người trong độ tuổi lao động sẽ có trọng trách gánh vác, hỗ trợ trên phương diện tài chính một người ở ngoài độ tuổi lao động. Điều này thường được định danh trong các báo cáo là “cấu trúc dân số vàng”. “Cấu trúc dân số vàng” được kỳ vọng sẽ kéo dài khoảng gần hai thập kỷ nữa ở Việt Nam, và sẽ là khoảng thời gian quý giá để cho chúng ta phát triển về kinh tế và xã hội.
(Nguồn: Tổng Cục Thống kê)
Tỷ lệ tham gia lao động trung bình của Việt Nam rơi vào mức 77,6 phần trăm trong vòng một thập kỷ qua, đạt mức cao nhất là 78,4 phần trăm vào năm 2014 nhưng có xu hướng chững lại và giảm dần trong những năm gần đây. Tỷ lệ thất nghiệp luôn ổn định ở mức 2 phần trăm. Đây là dấu hiệu rất đáng mừng của nền kinh tế, và là thành quả của quá trình phát triển kinh tế xã hội trong những năm qua. Tuy tỷ lệ thất nghiệp không cao, nhưng bản chất của lao động trong nước vẫn nghiêng về lao động nhỏ lẻ và thu nhập trực tiếp rất thấp
Tỷ lệ tham gia lao động và tỷ lệ thất nghiệp (2010 – 2019)
(Nguồn: World Bank và Tổng Cục Thống Kê)
Tỷ lệ tham gia lao động là thước đo đánh giá lực lượng lao động trực tiếp trong nền kinh tế, được tính bằng tổng số người đang có việc và đang tìm việc, chia cho tổng số người trong độ tuổi lao động. Tỷ lệ này ở Việt Nam là tương đối lớn, cao hơn mức trung bình 65 phần trăm của các nước phát triển. Điều này có thể được lý giải dựa trên hai yếu tố bao gồm: số lượng nữ giới tham gia vào lực lượng lao động lớn và số lượng thấp những người theo đuổi giáo dục bậc cao.
Lực lượng nữ giới tham gia lao động ở Việt Nam thậm chí còn cao hơn nhiều nước phương Tây phát triển, thậm chí cả Mỹ. Đây là dấu hiệu đáng mừng, cho thấy sự bình đẳng giới và bình đẳng thu nhập, đa dạng hóa và hiệu quả hóa của nền kinh tế. Tuy nhiên, số lượng người theo đuổi giáo dục bậc cao ở Việt Nam lại cho thấy một tín hiệu khác của thị trường. Cụ thể, những người trẻ tuổi ở Việt Nam đang sở hữu một nền tảng kỹ năng và kiến thức tốt, nhưng mặt bằng giáo dục trên toàn thị trường chưa được cao. Phần nhiều lao động trên thị trường đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, công ty gia đình hoặc lao động không hợp đồng. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng học hỏi và nâng cao kỹ năng trong các lĩnh vực đòi hỏi tính chuyên môn cao.
Cơ cấu các ngành nghề lao động ở Việt Nam 2010 - 2019
(Nguồn: Tổng Cục Thống Kê)
Sự không đồng đều trong thị trường lao động thể hiện rõ rệt ở cơ cấu các ngành nghề. Mặc dù số lượng lao động trong lĩnh vực nông, lâm và thủy sản có chiều hướng giảm trong trong những năm qua, đây vẫn là lực lượng lao động chủ yếu và chiếm tỷ trọng cao nhất ở mức 34,5 phần trăm trong toàn bộ nền kinh tế. Có sự dịch chuyển từ lĩnh vực nông, lâm và thủy sản sang công nghiệp chế biến, chế tạo và bán buôn, bán lẻ. Số lượng lao động làm việc trong ba lĩnh vực này luôn ở mức ổn định và chiếm khoảng 70 phần trăm trên tổng số lao động. Nguyên nhân chủ yếu của sự dịch chuyển này bao gồm hai yếu tố: yếu tố ngoại sinh do chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Chính phủ, và quá trình chuyển dịch lao động tự nhiên do quá trình đô thị hóa ở các thành phố lớn. Cụ thể, lao động làm nông nghiệp ở địa phương từ bỏ việc làm truyền thống để vào làm trong các nhà máy sản xuất của nước ngoài, hoặc buôn bán nhỏ lẻ trên các đô thị lớn. Mặc dù nhóm đối tượng lao động này sẽ được có sự cải thiện trong thu nhập, nhưng đây vẫn là nhóm đối tượng có kỹ năng thấp và công việc mang tính chất tay chân. Như đã đề cập đến trong bài viết lần trước, Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư sẽ tập trung vào công nghệ, thị trường ảo, trí tuệ thông minh nhân tạo, tự động hóa. Điều hiển nhiên có thể nhận ra đó là nhóm lao động kể trên sẽ rất nhạy cảm đối với các tiến bộ công nghệ, có nguy cơ cao là bị đào thải và thay thế.
Mặc dù các ngành nghề đòi hỏi kỹ năng và kiến thức ở Việt Nam đang dần vươn lên, quá trình này diễn ra vẫn đang còn tương đối chậm. Các vị trí ở mức tầm trung và cao như công nghệ thông tin và truyền thông, chuyên gia tài chính, chuyên viên quan hệ công chúng còn thiếu và tổng cơ cấu còn ở mức thấp. Thị trường lao động còn phụ thuộc nhiều vào các vị trí như nhân viên thu thập dữ liệu, kế toán, thư ký, thu ngân, giao dịch viên.
Xếp hạng các ngành nghề thu hút số lượng hồ sơ đăng ký trực tuyến nửa đầu 2019
(Nguồn:Vietnam Works,“Online Recruitment Market Report H1-2019)
Điều này thể hiện sự không đồng nhất đối với xu hướng chung của toàn thế giới. Tầm nhìn ngắn hạn trên thị trường quốc tế là lao động sẽ chuyển dịch từ các vị trí truyền thống sang các lĩnh vực đòi hỏi nhiều tính sáng tạo và kiến thức chuyên môn về công nghệ. Trong bảng xếp hạng các ngành nghề thu hút được nhiều ứng viên nhất, chỉ có hai ngành nghề là Marketing và Công nghệ thông tin là được dự đoán sẽ có lượng cầu cao trong tương lai gần, và hai ngành nghề này cũng chỉ đứng cuối trong bảng xếp hạng trên. Điều này cho thấy thực tế có phần quan ngại đối với thị trường lao động trong nước, khi mà phần đông các lao động đang tìm kiếm trong các lĩnh vực sẽ sụt giảm nhu cầu.
Qua các đánh giá ở trên, có thể thấy thị trường lao động Việt Nam mang những đặc điểm nổi bật bao gồm: một thị trường lao động trẻ, nhiều tiềm năng đang trong quá trình chuyển dịch cấu trúc hướng đến một thị trường có năng suất lao động cao, thu nhập tốt. Tuy nhiên, quá trình chuyển dịch trước đây chủ yếu dựa vào yếu tố ngoại sinh do chính sách thu hút FDI và quá trình chuyển dịch lao động tự nhiên do đô thị hóa. Do đó, phần đông lao động vẫn thiếu hụt nền tảng giáo dục. Ngoài ra, sự dịch chuyển hướng tới thị trường lao động cao cấp đã và đang diễn ra nhưng còn chậm. Nhìn tổng thể, Việt Nam đang có một độ hụt nhất định đối với xu thế chung của toàn cầu. Thực tế là Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra ở Việt Nam. Nếu thị trường lao động trong nước vẫn chuyển dịch theo xu thế hiện hành, điều tất yếu sẽ xảy ra là sự thiếu hụt lao động do độ chênh giữa cung và cầu, sự phân hóa thu nhập giữa các đối tượng tham gia thị trường, cũng như chu kỳ kinh kế với tỷ lệ thất nghiệp tạm thời gia tăng. Bởi vậy, trách nhiệm dẫn dắt và điều chỉnh thị trường sẽ phụ thuộc vào Chính phủ và doanh nghiệp.
Trong bài viết kế tiếp. tôi sẽ đề cập sâu hơn đến trách nhiệm của Chính phủ và doanh nghiệp trong bối cảnh xã hội thay đổi một cách nhanh chóng này. Chính sách, hành động, phương pháp tiếp cận để lực lượng lao động hiện hữu có thể thích ứng và chuyển mình hướng tới xã hội và thị trường công nghệ cao.
Commentaires