As the present now
Will later be past
The order is rapidly fadin'
And the first one now
Will later be last
For the times they are a-changin'”
The Times They Are a-Changin- Bob Dylan
Không phải ngẫu nhiễn mà lời của bài hát nổi tiếng “The Times They Are a-Changin” của cố nhạc sĩ nổi tiếng Bob Dylan hiện lên trong tôi khi tôi đang suy nghĩ ý tưởng khi viết về tương lai của thị trường việc làm. Chúng ta đang sống trong một xã hội mà tất cả mọi thay đổi đều diễn ra một cách mạnh mẽ và chóng vánh.
Chưa đầy mười lăm năm trước đây, cố định với một công việc trong suốt sự nghiệp là một khái niệm quen thuộc đối với nhiều người. Tuy nhiên, trong hiện tại, bạn có thể dễ dàng bị đào thải bởi nhân viên mới ít kinh nghiệm nhưng lại mạnh về công nghệ, hoặc tệ hơn nữa là bị thay thế bởi một chương trình phần mềm. Công nghệ đang thay đổi cuộc sống của chúng ta. Và nó len lỏi, cách mạng hóa mọi ngóc ngách ở tất cả các lĩnh vực mà chúng ta quen thuộc. Các anh chàng giao dịch viên trên sàn chứng khoán đang dần bị thay thế bởi các thuật toán và chương trình tự động. Các nhà khoa học xã hội phải gằn mình ra học những chương trình và thuật toán định lượng để phục vụ cho việc nghiên cứu. Quảng cáo và tiếp thị được thực hiện trên các thị trường ảo. Các lớp học trực tuyến dần trở nên thông dụng và nhiều công ty đã áp dụng chính sách làm việc tại nhà cho nhân viên. Thậm chí cả các kiến trúc sư cũng đang mầy mò tìm hiểu về phương pháp lập trình.
Những gì chúng ta đang trải nghiệm và chứng kiến được gọi là “Cách mạng Công nghiệp hóa lần thứ tư”. Cuộc cách mạng Công nghiệp hóa lần này được xây dựng dựa trên thành quả của các cuộc cách mạng Công nghiệp trước đó, và tập trung vào việc kết nối, giao thoa các công nghệ để xóa nhòa đi ranh giới giữa không gian vật lý, không gian số và chuỗi sinh học[1]. Tất cả các ngành, lĩnh vực sẽ đều bị ảnh hưởng, những công việc mà chúng ta biết và quen thuộc có thể không còn tồn tại trong tương lai gần, và những công việc chúng ta không thể tưởng tượng tới có thể trở thành then chốt trong tương lai.
Có lẽ tôi không tự nhận mình là một nhà kinh tế học trong bối cảnh hiện tại, tuy nhiên kinh nghiệm và kiến thức khi còn làm ở vị trí đó vẫn còn hiện hữu trong bản thân. Và điều đó thôi thúc tôi tìm hiểu liệu thị trường việc làm sẽ thay đổi như thế nào giữa những đổi thay chóng vánh và đầy bất ổn này. Tất cả những điều đó sẽ được đưa vào chùm bài viết này và sẽ cố gắng bao quát cả thị trường trong và ngoài nước.
1. Thị trường lao động quốc tế
Để đánh giá những thay đổi mà “Cách mạng Công nghiệp hóa lần thứ tư” mang đến cho thị trường lao động quốc tế, một cái nhìn đa chiều trên nhiều góc cạnh cùng với các dữ liệu chính xác là điều cần thiết. Sự đồng thuận chung khi phân tích về “Cách mạng Công nghiệp hóa lần thứ tư” đó là cuộc cách mạng lần này sẽ làm dịch chuyển công việc và yếu tố lao động thiên về tay chân bởi con người sang các tác vụ được thực hiện bởi máy móc và thuật toán phần mềm. Cung và cầu của thị trường lao động sẽ dịch chuyển để phản ánh những thay đổi này. Do đó, ba yếu tố được chọn để nhìn nhận về thị trường lao động sẽ bao gồm: số liệu về người sẽ tham gia thị trường lao động, số liệu về các vị trí đang ứng tuyển và kì vọng của các doanh nghiệp trong tương lai gần.
(Nguồn: National Center for Education Statistics. (2020). Digest of Education Statistics 2019 [Data file]. Tham khảo tại https://nces.ed.gov/programs/digest/d19/tables/dt19_322.10.asp)
Sự thay đổi mang tính cơ bản về những người sẽ tham gia thị trường lao động có thể được đánh giá dựa trên số liệu hiện có về số lượng đang theo học các chuyên ngành tại thời điểm hiện tại. Ở đây chúng ta chọn Mỹ là quốc gia tiêu biểu dựa trên tiêu chí đây là nước có chương trình giáo dục phát triển và thực tiễn nhất trên toàn thế giới.
Những vị trí tăng nhu cầu và giảm nhu cầu dựa trên khảo sát doanh nghiệp
(Nguồn: National Center for Education Statistics. (2020). Digest of Education Statistics 2019 [Data file]. Tham khảo tại https://nces.ed.gov/programs/digest/d19/tables/dt19_322.10.asp)
Số liệu được lấy trên sáu ngành học lớn bao gồm: Quản trị kinh doanh, Khoa học máy tính, Giáo dục, Kỹ sư, Y tế và Khoa học xã hội. Trong khi Quản trị kinh doanh và Khoa học xã hội vẫn đang là hai ngành học được ưa chuộng, số người theo học hai ngành này đang giảm dần theo thời gian. Ở chiều ngược lại, các ngành học về kỹ thuật đang lên ngôi, bao gồm Khoa học máy tính, Kỹ sư, và mức tang trưởng về số người theo học hai ngành này hằng năm đều hơn hai chữ số.
Những thay đổi trong cơ cấu ngành giáo dục phản ánh chính xác những thay đổi về cầu trong thị trường việc làm. Khi “Cách mạng Công nghiệp hóa lần thứ tư” diễn ra, các công ty và doanh nghiệp đều đang phải dấn mình vào cuộc đua công nghệ để áp dụng những tiến bộ mới nhất vào quản trị và kinh doanh. Các công nghệ mới này sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động và hiệu quả quản trị, cũng như đáp ứng được nhu cầu ngày càng thay đổi của tầng lớp tiêu dùng mới. Ở chiều ngược lại, những người sẽ tham gia thị trường lao động trong tương lai sẽ bị kỳ vọng phải đáp ứng được những yêu cầu khắt khe trong việc làm quen và áp dụng các công nghệ mới nhất trong công việc. Điều này lý giải sự dịch chuyển của các chuyên ngành đào tạo sang hướng thiên về công nghệ hiện nay.
Phiếu điều tra về kỳ vọng của thị trường lao động quốc tế trong ngắn hạn do World Economic Forums thực hiện cho chúng ta cái nhìn đầy đủ hơn về sự dịch chuyển này. Cụ thể, trong ngắn hạn, cầu cho các vị trí nhân viên văn phòng truyền thống không cần nhiều kỹ năng chuyên ngành như nhân viên nhập dữ liệu, trợ lý kế toán, trợ lý tổng vụ, thư ký, kiểm toán viên, giao dịch viên nhân hàng, thu ngân sẽ sụt giảm mạnh. Đây là các vị trí rất nhạy cảm đối với tiến bộ công nghệ, và được cho là sẽ bị thay thế hầu hết bới máy móc và trí tuệ thông minh nhân tạo trong tương lai.
Những vị trí tăng nhu cầu và giảm nhu cầu dựa trên khảo sát doanh nghiệp
(Nguồn: “The Future of Jobs Report 2018”, World Economic Forums)
Trong tương lai gần, doanh nghiệp sẽ kỳ vọng mở rộng công việc kinh doanh và nâng cao năng lực nhân viên bằng cách sử dụng các công cụ phân tích nội bộ và thị trường mới nhất hiện có. Do đó, các vị trí như phân tích dữ liệu và big data, quản lý và phân tích thị trường thông qua ứng dụng và web, chuyên viên về Machine Learning, kỹ sư về thực tế ảo sẽ là những công việc được chào đón trong những năm tiếp theo. Mặc dù nhiều vị trí không hề tồn tại, hoặc được cho là không thực tế trong quá khứ nhưng đã và đang trở thành nòng chốt và chuẩn mức mới trong doanh nghiệp trong bối cảnh xã hội đang dần thay đổi từng ngày.
Sự thay đổi này trong thị trường việc làm càng được củng cố nếu chúng ta nhìn vào số liệu tuyển dụng trong quá khứ gần. Tiếp thị số và chuyên viên phần mềm, kỹ sư phân tích dữ liệu, chuyên viên về tương tác người dùng và quản trị nhân lực đều tăng mạnh trong số liệu tuyển dụng ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Thay đổi về số liệu tuyển dụng khu vực Châu Á Thái Bình Dương
(giai đoạn 2013 - 2017)
(Nguồn: “The Future of Jobs Report 2018”- World Economic Forums and Linked)
Có thể thấy sự thay đổi về mặt cấu trúc trong xã hội và thị trường lao động do “Cách mạng Công Nghiệp lần thứ tư” mang lại là cực lớn. Lực lượng lao động cũng đang dần chuyển hóa dưới sự tác động này, và sự chuyển hóa đang diễn ra rất nhanh chóng. Nhìn nhận dưới góc độ người quản lý, sự thay đổi này sẽ thay thế một bộ phận trong lực lượng lao động hiện hữu, nhưng cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội mới trên thị trường. Nếu quản lý tốt, đây sẽ là cơ hội để tạo ra nhiều công ăn việc làm mới cho xã hội, cũng như là khả năng để nâng cao mặt bằng chất lượng cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, nó sẽ tạo ra một lực lượng những người thất nghiệp tạm thời. Nếu quản lý không tốt, nó sẽ tạo ra một thời kỳ bất ổn với số người thất nghiệp tăng cao, phân cấp năng lực và bất bình đẳng trong nội bộ tầng lớp lao động. Để tránh xảy ra tình huống đó, sự can thiệp và điều chỉnh có tính dẫn dắt của chính phủ và doanh nghiệp là điều rất cần thiết.
Trong bài viết tiếp theo, tôi sẽ đề cập đến thị trường lao động ở Việt Nam, phân tích đồng nhất cùng với xu thế trên toàn thế giới. Bài viết sẽ đề cập đến cấu trúc thị trường, năng lực lao động, cũng như cung và cầu trên thi trường.
[1] Klaus S. (14 tháng 1 năm 2016) The Fourth Industrial Revolution: what it means, how to respond. Tham khảo tại https://www.weforum.org/agenda/2016/01/the-fourth-industrial-revolution-what-it-means-and-how-to-respond/
Comments